Bảo hiểm nhân thọ: Khách hàng dễ sạch tiền với các khoản phí
Để được chi trả một khoản tiền lớn khi bị đau bệnh hay tử vong, khách hàng phải trả cho công ty bảo hiểm nhiều khoản phí không nhỏ.
Người dân đến văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố cáo vào sáng 20-4 – Ảnh: MINH HÒA
Trên thực tế, công ty bảo hiểm không bảo vệ miễn phí cho khách hàng. Để được hưởng các quyền lợi bảo hiểm, khách hàng phải chịu hàng loạt chi phí.
Chưa kể trong 5 năm đầu, nếu hủy hợp đồng trước hạn, có khả năng khách hàng bị trừ 100% số tiền đã đóng.
10 năm gánh phí
Sau khi mua bảo hiểm nhân thọ được 10 năm, chị Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) muốn ngưng hợp đồng do không đủ khả năng tham gia tiếp tục. Sau khi liên hệ đại lý bảo hiểm, chị được báo nếu ngưng thì chỉ nhận được 50% giá trị của hợp đồng đã đóng.
Chị bức xúc vì tiền đóng vào 10 năm qua không sinh lãi mà còn bị giảm đi.
Đây cũng là cảm xúc chung của nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đến lúc muốn tất toán hợp đồng thì bị hụt hẫng, cảm thấy mình bị lừa.
Sản phẩm bảo hiểm của chị Lan vẫn đang được một công ty bảo hiểm lớn trên thị trường chào bán.
Trong bộ hợp đồng, phía công ty bảo hiểm đã chèn thêm nhiều chi phí và trừ vào khoản tiền khách hàng đã đóng.
Trong đó, “chi phí ban đầu” là khoản tiền bị trừ nhiều nhất. Đây là khoản tiền thường dùng để chi cho các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp như trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, hoa hồng đại lý…
Cụ thể, trong 4 năm đầu, khách hàng bị trừ lần lượt 90%, 80%, 30% và 20% vào phí bảo hiểm cơ bản, tương đương trừ tổng cộng 220%.
Ví dụ, một khách hàng tham gia sản phẩm này với mức phí 100 triệu đồng/năm, sau 4 năm nộp tổng cộng 400 triệu đồng, nhưng bị công ty bảo hiểm trừ tới 220 triệu đồng chi phí ban đầu.
Từ năm thứ 5 trở đi, mỗi năm công ty bảo hiểm cũng trừ 1,5%. Chưa kể khách hàng còn bị trừ các khoản khác như “phí bảo hiểm rủi ro” – sẽ thu hằng năm và tăng theo độ tuổi của khách hàng, “phí quản lý hợp đồng”…
Do đó, một khách hàng 10 năm đóng tổng cộng 1 tỉ đồng vào bảo hiểm nhân thọ nhưng số tiền rút về dưới 700 triệu đồng.
Đồ họa: TUẤN ANH
Ngưng đóng sau 5 năm, số tiền có thể còn 0 đồng
Đọc nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, có thể thấy trong vòng từ 4-5 năm đầu, nhiều công ty bảo hiểm khác cũng trừ tổng cộng khoảng 160% đến hơn 220% tổng số tiền khách hàng đã đóng vào ở phí bảo hiểm cơ bản (thường chi trả cho trường hợp tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn).
Ngoài ra, đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, bên cạnh phần phí bảo hiểm cơ bản (phần bảo vệ), kể cả phí bảo hiểm đóng thêm (phần đầu tư) cũng bị áp “chi phí ban đầu” dao động từ 2-5%/năm.
Không ít đại lý bảo hiểm đã mập mờ, không tư vấn cho khách hàng về việc họ sẽ bị công ty bảo hiểm trừ hàng loạt chi phí. Song song đó, nếu chấm dứt hợp đồng trước hạn khách hàng còn bị phạt phí lớn.
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của khách hàng Đ. (TP.HCM), ở phần “chi phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm”, có thể thấy nếu hủy trong vòng 1-5 năm đầu, khách hàng bị trừ 100% số tiền đã đóng. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở các công ty khác cũng tương tự.
Có nghĩa cho dù một khách hàng đã đóng 5 tỉ đồng trong 5 năm đầu tiên, nhưng nếu làm thủ tục chấm dứt hợp đồng trước hạn số tiền nhận về là 0 đồng. Thông thường từ năm thứ 10 trở đi, khách hàng mới không bị phạt tiền hủy hợp đồng trước hạn.
Chỉ tham gia bảo hiểm khi có thể đóng hơn 10 năm
Với nhiều năm kinh nghiệm, bà Hồ Thị Ngọc Như – trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) – cho biết bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm cần có sự đồng hành dài hạn.
Kể cả khi rủi ro về kinh tế xảy ra, khách hàng vẫn đủ sức duy trì đóng phí bảo hiểm trong vòng 10 – 20 năm đều đặn.
Thông thường khách hàng chỉ nên dùng 10 – 20% thu nhập cả năm để đóng phí bảo hiểm nhân thọ.
Như vậy, bảo hiểm nhân thọ mới phát huy được tốt vai trò là lá chắn tài chính vững chắc khi khách hàng gặp các rủi ro liên quan đến sức khỏe (bản thân khách hàng được chi trả bồi thường, có tiền lo thuốc men, phẫu thuật…), tính mạng (người nhà của khách hàng được thụ hưởng tiền bồi thường, để tiếp tục sống tốt).
Có thể thấy, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không hoàn toàn phù hợp cho tất cả.
Người có thu nhập thấp, bấp bênh cần cân nhắc cẩn trọng, tránh việc tham gia được vài năm rồi bị đứt gánh giữa đường, không đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, đứng trước nguy cơ mất trắng khoản tiền đã nộp vào.
(Theo Tuổi Trẻ)