Chuyện trong phòng khám sản khi nữ sinh lớp 11 đến phá thai… lần thứ 4
Lần thứ 4 nữ sinh tìm đến cơ sở bỏ thai, em được tư vấn “sẽ không còn khả năng làm mẹ”. Các ca nữ sinh mang thai ngoài ý muốn, cứ 10 em thì tới 7-8 em bị bạn tình bỏ rơi, gia đình bỏ rơi…
“Tôi gặp trường hợp em học trò lớp 11, đã 4 lần phá thai… “, Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Hoàng Dũng chia sẻ tại chương trình “Tám cuối tuần” với chủ đề “Chối bỏ mầm sống”.
Không ít nữ sinh đã phá thai nhiều lần (Ảnh minh họa)
Lần thứ 4, khi em nữ sinh tìm đến nhờ tư vấn, ông Dũng nói với nữ sinh: “Bây giờ em giữ được đứa con đã là kỳ tích. Vì nếu không em sẽ không còn khả năng làm mẹ”.
Khi tham vấn những ca sinh viên mang thai ngoài ý muốn, ông Dũng nhận thấy, cứ 10 em thì có đến 7 – 8 em bị bạn tình bỏ rơi rồi đến gia đình bỏ rơi. Thêm áp lực từ dư luận, các giá trị xã hội nên nhiều người đã từ bỏ chính đứa con của mình.
Ông Dũng cũng nhắc tới những nghĩa trang đồng nhi (nơi chôn cất những hài nhi bị vứt bỏ) được lập ra ở nhiều tỉnh thành nhưng hiện nay có nơi đã quá tải, không còn đất để chôn cất các hài nhi xấu số. Điều đó phần nào nói lên bức tranh nhức nhối về vấn nạn nạo phá thai, trong đó có nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.
Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60 – 70% là học sinh, sinh viên. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%.
Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 – 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 – 70% là sinh viên, học sinh.
Theo kết quả nghiên cứu do UNFPA thực hiện tại Việt Nam, khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Số lần phá thai trung bình là 1,3 lần/một phụ nữ. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, các con số thống kê chính thức về vấn nạn nạo phá thai có thể chưa phản ảnh được thực tế. Bởi hầu hết những ca chối bỏ con đều muốn giữ bí mật. Mà càng muốn giữ bí mật thì họ sẽ càng lén lút, tìm chỗ làm “chui”. Và càng lén lút sẽ càng nguy hiểm, có thể để lại những di chứng kinh khủng…
Một bác sĩ nhi tại TPHCM kể, bà từng gặp những em học sinh ngồi đung đưa đọc truyện tranh chờ phá thai. Các em đang tuổi ăn tuổi ngủ, rất hồn nhiên. Hay có trường hợp học sinh 14 tuổi đi phá thai, khi bác sĩ tư vấn những di chứng có thể xảy ra, em gạt đi, nói: “Chỉ cần bác sĩ cắt vụt đi là xong”. Có nhiều trường hợp thai đã rất lớn mới được đưa đến để xử lý, cực kỳ nguy hiểm.
Theo nữ bác sĩ, hầu hết các em nhỏ khi có thai sẽ tìm mọi cách che giấu người xung quanh, đến khi bố mẹ phát hiện, vội vàng tìm hướng giải quyết thì thai đã lớn. Nhiều nữ sinh thực sự vẫn là trẻ con, còn ngây ngô không biết rằng có quan hệ tình dục là có nguy cơ có thai.
Chưa kể, có không ít nữ sinh còn không biết cha đứa bé trong bụng mình là ai, ở đâu. Các em chỉ biết tên nickname trên mạng, rồi hẹn hò đi nhà nghỉ, sau đó thì không liên lạc được nữa.
Tại một chương trình tập huấn về sức khỏe sinh sản cho đội ngũ giáo viên thành phố TPHCM, bác sĩ Đặng Phi Yến cũng cảnh báo tình trạng không ít học sinh còn ít tuổi đã bỏ thai lần 2, lần 3 và không quan tâm đến hậu quả về sau. Có em bỏ thai còn giục bác sĩ “làm nhanh để kịp giờ vào học, giờ kiểm tra”. Thậm chí, có những nhóm bạn còn hẹn nhau cùng đi bỏ thai.
Các bác sĩ cảnh báo, việc nạo phá thai có thể làm chảy máu, thủng tử cung, vỡ tử cung. Nạo xong nếu sót nhau thì sẽ nhiễm trùng, gây viêm dính vòi trứng, để hậu quả về sau rất nghiêm trọng. Phá thai càng lớn thì càng nguy hiểm. Ngoài ra, đi cùng những ảnh hưởng về thể chất, việc phá thai còn những ám ảnh về tâm lý, có thể đeo bám suốt đời.
Nạo phá thai để lại những hậu quả về thể chất và tâm lý (Ảnh minh họa).
Vị thành niên, thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Từ rất sớm, các em cần được cung cấp các thông tin, kiến thức khoa học về giới tính, sinh sản.
Nhưng một thực tế hiện nay, đối với vấn đề này phụ huynh thường lúng túng, né tránh, hẹn “lớn lên sẽ biết”, còn nhà trường thì thờ ơ hoặc chỉ đưa nội dung giáo dục này vào cho có, khi mọi nguồn lực trong nhà trường vẫn tập trung cho học thuật, thi cử.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/an-sinh/chuyen-trong-phong-kham-san-khi-nu-sinh-lop-11-den-pha-thai-lan-thu-4-20221123102406933.htm?fbclid=IwAR11rpt2hKIc6-gAift1WXBxiUwBOfQWlpFQEGMIt4-dWhL-Dw8Kx8odIrY