Công ty cho nghỉ tạm không xác định thời hạn, công nhân mếu máo nghĩ đến cái tết xa nhà
Không có đơn hàng, Công ty TNHH Việt Nam Samho cho nhiều công nhân tạm nghỉ. Không công nhân nào biết đến bao giờ thì có việc trở lại…
Dư luận chưa hết xôn xao trước thông tin gần 1.200 công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) bị cho nghỉ việc vì không có đơn hàng thì mới đây, công nhân tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, Công ty TNHH Việt Nam Samho có văn bản thông báo cắt giảm lao động do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Mếu máo nghĩ đến chuyện về quê đón Tết, gặp con
Ngồi buồn xo trong căn phòng trọ rộng khoảng 8m2 tại ấp 12, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, chị Phạm Thị Tem (quê Cà Mau) cho biết, chị làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho hơn 9 năm. Những tưởng sẽ gắn bó với công ty này cho đến lúc nghỉ hưu, nhưng cách đây vài ngày, mọi người nhận được thông tin công ty gặp khó khăn và phải cắt giảm lao động.
Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) nối tiếp Công ty TNHH Tỷ Hùng (Bình Tân) phải cho công nhân nghỉ việc vì không có đơn hàng. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Chị Tem chia sẻ, những người làm việc đủ 1 năm (đến thời gian tái ký hợp đồng) sẽ bị cắt, công ty không ký hợp đồng tiếp và không có chế độ chính sách gì. Những công nhân đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì được thông báo tạm nghỉ không lương, chờ khi nào có việc sẽ gọi vào làm lại. Ai không chờ được thì làm đơn xin nghỉ việc.
“Chúng tôi thật sự rất hoang mang vì không biết tạm nghỉ là nghỉ đến bao giờ. Đời sống công nhân rất cực, không đi làm thì sẽ không có tiền trả thuê trọ, ăn uống sinh hoạt… Nếu làm đơn xin nghỉ việc để đi xin nơi khác thì sẽ không được công ty trả trợ cấp mất việc hoặc các khoản cuối năm như lương tháng 13…” – chị Tem thở dài.
Để có chi phí trang trải, chị Tem cho biết đã đi xin việc làm thời vụ kiếm 1-2 triệu xoay xở. Vừa qua, chị được thuê nhặt ớt với mức thu nhập khoảng 500-600 ngàn/tuần. Tuy nhiên công việc này cũng bị gián đoạn vì không có ớt để làm. Chị Tem đến một số nơi xin bán hàng nhưng tìm không ra. Dự định đầu tuần tới, chị Tem sẽ đi xin rửa chén bát hoặc phục vụ quán ăn.
Chị Phạm Thị Tem gắn bó với công ty hơn 9 năm và đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì công ty không có đơn hàng. Ảnh: Mỹ Quỳnh
“Trước làm được bao nhiêu thì trừ chi phí ăn ở, thuê trọ ra còn lại gửi về quê nuôi con. Giờ thu nhập không đủ lo cho bản thân, con cái ở nhà cũng đành chịu, không có tiền gửi về. Chưa kể tết nhất sắp đến nơi, tiền bạc không có, năm nay chắc tôi ở lại chứ không về. Tiền đâu mà về! Ba mẹ tôi gọi điện động viên suốt, nói nếu không có tiền thì ông bà cho tiền xe về để có cái tết sum vầy. Làm lụng gắn bó cả chục năm trời với công ty, giờ phải xin tiền để về quê thì xấu hổ quá…” – chị Tem mếu máo.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân Samho) cũng buồn rầu chia sẻ, biết là tình hình khó khăn nên công ty mới phải đi đến bước này, nhưng công nhân lao động rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ và có trách nhiệm từ công ty.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM chỉ đạo gì?
Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, sau khi nhận công văn của Công ty TNHH Việt Nam Samho về thông báo cắt giảm lao động do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Sở yêu cầu Công ty TNHH Việt Nam Samho căn cứ Điều 42 (Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế), Điều 44 (Phương án sử dụng lao động), Điều 47 (Trợ cấp mất việc làm), Điều 48 (Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động) và Điều 63 (Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc) của Bộ luật Lao động năm 2019 để thực hiện theo quy định.
Sở lưu ý, công ty chỉ được cho thôi việc sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở) mà người lao động là thành viên; thông báo trước 30 ngày cho UBND TP.HCM và người lao động.
Con hẻm nhỏ của những người công nhân đầy ắp nỗi lo vì cảnh thất nghiệp. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Khi xây dựng phương án sử dụng lao động: Người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2019 và phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Cụ thể, về phương án sử dụng lao động phải thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông qua.
Đặc biệt, công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho công ty từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm. Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thường xuyên cho đơn vị từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng thì đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm của người lao động ít nhất bằng 2 tháng tiền lương.
Ngoài ra, Công ty TNHH Việt Nam Samho phải thực hiện thông báo về tình hình biến động lao động với Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM theo quy định. Đồng thời, Công ty TNHH Việt Nam Samho phải rà soát, kiểm tra, thực hiện đầy đủ các thủ tục và chế độ cho người lao động thôi việc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong quá trình thực hiện phương án sử dụng lao động và chịu trách nhiệm về các nội dung thông báo cho UBND TP.HCM.
(Theo Dân Việt)