Hy hữu hai siêu trăng cùng xuất hiện trong tháng 8

Hai siêu trăng liên tiếp sẽ xuất hiện vào đầu và cuối tháng 8 tạo nên hiện tượng ‘trăng xanh’ hiếm gặp và sẽ không lặp lại cho đến tháng 1/2037.

Trong tháng 8 dương lịch năm 2023, những người yêu thích thiên văn trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai lần siêu trăng liên tiếp vào đầu và cuối tháng.

“Những đêm hè là thời điểm lý tưởng để ngắm trăng tròn mọc trên bầu trời phía đông sau khi Mặt trời lặn vài phút. Và chuyện này xảy ra hai lần trong tháng 8”, Fred Espenak, nhà vật lý thiên văn NASA hiện đã nghỉ hưu cho biết.

Hai siêu trăng sẽ xuất hiện vào tháng 8, hiện tượng thiên văn hiếm gặp sẽ không lặp lại trong 14 năm tới. (Ảnh: Shutterstock)

Siêu trăng thứ nhất rơi vào ngày 1/8 vừa qua khi Mặt trăng cách Trái đất 357.530 km, gần hơn khoảng 26.870km so với khoảng cách trung bình giữa 2 thiên thể.

Siêu trăng thứ hai rơi vào ngày 30/8, dự kiến còn “hoành tráng” hơn bởi Mặt trăng và Trái đất rút ngắn khoảng cách với nhau thêm vài trăm km nữa. Khi đó, ước tính khoảng cách của Trái đất và vệ tinh của mình là 357.344km.

Andrew McCarthy, một nhà nhiếp ảnh thiên văn ở Arizona (Mỹ), cho biết mặt trăng đêm 1/8 sáng hơn khoảng 30% so với bình thường.

Có bốn siêu trăng xuất hiện trong năm 2023 vào các ngày 3/7, 1/8, 31/8 và 29/9. (Ảnh: Animal News Agency)

Espenak cho biết, nếu trời quang đãng, ống nhòm hoặc kính viễn vọng có thể giúp nâng cao trải nghiệm cho người quan sát, hé lộ những cấu trúc như biển Mặt Trăng – vùng đồng bằng tối hình thành nhờ các dòng dung nham núi lửa cổ đại – và những tia phát ra từ miệng hố trũng trên Mặt Trăng.

Trăng tròn, siêu trăng và trăng xanh

Ngay cả một số chuyên gia cũng cảm thấy bối rối trước các thuật ngữ khác nhau “trăng tròn”, “siêu trăng” và “trăng xanh”, đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ. Hầu hết mọi người đều biết “trăng tròn” chỉ đơn giản là mặt trăng được chiếu sáng 100% – khi toàn bộ bề mặt của nó đón ánh sáng của Mặt trời.

Trong khi đó, “siêu trăng” là hiện tượng mặt trăng xuất hiện trên bầu trời đêm to và sáng như một quả cầu khổng lồ vì nó ở vị trí gần Trái đất hơn bình thường. Lý giải một cách khoa học, siêu trăng xảy ra do mặt trăng quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip. Điều này có nghĩa là có một điểm trên quỹ đạo của nó gần Trái đất hơn và đây được gọi là “điểm cận địa” khiến hiện tượng siêu trăng xảy ra.

Máy bay thương mại bay qua Hồ Michigan trước siêu trăng tháng 7/2023, siêu trăng đầu tiên trong bốn siêu trăng của năm 2023. (Ảnh: AP)

Siêu trăng có thể có kích thước lớn hơn 14% và và độ sáng nhiều hơn 30% so với trăng tròn bình thường, tùy thuộc vào thời gian trong năm.

Có thể nói, siêu trăng về bản chất cũng là trăng tròn, nhưng không phải trăng tròn nào cũng là siêu trăng (thường chỉ có 3 – 4 siêu trăng trong một năm).

Vậy còn trăng xanh thì sao? Hiện tượng hai siêu trăng cùng xuất hiện vào một tháng dương lịch được gọi là “siêu trăng xanh” và chỉ xảy ra mỗi 2-3 năm/lần. Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ tiếng Anh “một lần trăng xanh”, ám chỉ một sự việc cực kỳ hy hữu hiếm khi xảy ra.

Theo NASA, lần gần nhất hai siêu trăng xuất hiện trong cùng tháng là vào tháng 1/2018. Điều này sẽ không lặp lại cho đến tháng 1/2037.

Siêu trăng khổng lồ trong quá trình mọc và lặn ở làng Deir Ballout, phía tây bắc Syria, vào ngày 4/7/2023. (Ảnh: Shutterstock)

Bên cạnh sự khác biệt về kích thước và độ sáng, siêu trăng đôi khi cũng nhiều màu sắc và sắc thái khác nhau, phụ thuộc vào độ thấp của Mặt trăng đối với đường chân trời.

NASA cho biết: “Mặt trăng có màu đỏ hoặc vàng thường cho thấy mặt trăng được nhìn thấy gần đường chân trời. Tại đó, một số ánh sáng xanh đã bị phân tán xuyên qua bầu khí quyển chứa lớp bụi mịn của Trái đất. Mặt trăng có màu xanh lam hiếm gặp hơn khi ánh sáng xuyên qua qua bầu khí quyển mang theo các hạt bụi lớn hơn”.

Phương Thảo (Nguồn: Daily Mail, AP)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hy-huu-hai-sieu-trang-cung-xuat-hien-trong-thang-8-ar810285.html

XEM THÊM
error: