Kỳ vọng sớm đưa sân bay Lý Sơn vào quy hoạch, đòn bẩy cho du lịch Quảng Ngãi phát triển
Sân bay Lý Sơn được kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, đưa Lý Sơn thành đảo du lịch cao cấp có vai trò hạt nhân, tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch Quảng Ngãi bứt tốc.
Chia sẻ về phát triển du lịch Lý Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, khi Lý Sơn được đầu tư xây dựng du lịch Quảng Ngãi sẽ thu hút đầu tư, từng bước phát triển đồng bộ, toàn diện. Trong tầm nhìn dài hạn, Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến du lịch biển đảo đặc sắc, hấp dẫn tại Việt Nam.
Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành cuối năm 2021 tiếp tục xác định phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Xin ông cho biết rõ hơn về vai trò hạt nhân này của đảo Lý Sơn?
Cuối năm 2021, Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi đóng góp tích cực vào nền kinh tế của tỉnh, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, tạo tiền đề phát triển đột phá trong giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2025 đón 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160 nghìn lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân trên 24%/năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 2.780 tỷ đồng.
Chúng tôi xác định Quảng Ngãi sẽ lấy du lịch biển, đảo làm chủ đạo, trong đó Lý Sơn đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy du lịch toàn tỉnh. Từ vai trò hạt nhân đó, tạo sự phát triển kết nối, lan tỏa tới các điểm du dịch biển Mỹ Khê, biển Bình Châu, biển Bình Hải, biển Sa Huỳnh.
Để làm được điều này, chúng tôi ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, tiềm lực tài chính đầu tư dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, mang tính động lực phát triển tại các vị trí tiềm năng, đặc biệt là đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông hạn chế, việc đi lại khó khăn đang là một trong những điểm nghẽn khiến du lịch Lý Sơn phát triển chưa xứng tiềm năng. Vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực tập trung các giải pháp giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn này, “dọn đường” cho phát triển du lịch Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung.
Nhằm bứt phá du lịch, năm 2021, Quảng Ngãi đã đề xuất xây sân bay Lý Sơn theo hình thức BOT. Đề xuất này đến nay ra sao, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư tiềm lực nào chưa?
Ngày 8/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị bổ sung sân bay Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo chúng tôi được biết, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý (Bình Thuận).
Chúng tôi mong muốn sân bay Lý Sơn sớm được đưa vào quy hoạch cảng hàng không quốc gia, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xúc tiến mạnh mẽ mời gọi nhà đầu tư. Nếu được Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng sân bay Lý Sơn, Tỉnh cam kết sẽ tìm kiếm nhà đầu tư giàu tiềm lực, giàu kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao nhất, đồng hành cùng địa phương giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông, chung tay phát triển kinh tế, du lịch chất lượng cao, đảm bảo môi trường sinh thái.
Trên quan điểm ủng hộ kinh tế tư nhân nhất là trong việc huy động nguồn lực cùng với nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế, từ thực tiễn Việt Nam đã có sân bay tư nhân được đánh giá cao, chúng tôi tin tưởng các doanh nghiệp tư nhân lớn sẽ triển khai hiệu quả sân bay Lý Sơn. Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có tỷ lệ sân bay tư nhân đầu tư cao hơn sân bay công và hoạt động rất hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng. Việc xã hội hóa xây dựng sân bay là phù hợp xu thế phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Hiện nay nhiều địa phương cũng đang đề xuất được làm sân bay, như Kon Tum (sân bay Măng Đen), Sơn La (sân bay Mộc Châu), mới đây là Hà Giang…Nhìn từ góc độ của một địa phương, ông có cho rằng nếu tất cả đều được đưa vào quy hoạch thì sẽ dư thừa, lãng phí hay không?
Để trả lời câu hỏi này, tôi xin đi từ câu chuyện thực tế của Lý Sơn. Du khách đến đảo Lý Sơn hiện đang phải di chuyển qua nhiều chặng, nhiều tuyến, mất rất nhiều thời gian trung chuyển. Đối với du khách đi máy bay đến sân bay Chu Lai, quãng đường di chuyển vẫn khá vất vả do đảo Lý Sơn nằm tách biệt ngoài biển.
Chưa có sân bay nên du khách muốn đến Lý Sơn vẫn bắt buộc phải đi đường thủy. Điều này có rất nhiều điểm bất tiện vì cảng tàu ở Lý Sơn là cảng dùng chung cả cho du lịch lẫn vận chuyển hàng hóa. Khi thời tiết trên biển phức tạp, nguy hiểm, khách du lịch và người dân ở đất liền không thể tiếp cận đảo, còn dân trên đảo cũng không thể vào đất liền. Đây là lý do khiến khách nội địa cũng ngần ngại đến với Lý Sơn, huống hồ khách quốc tế.
Đường thủy là một loại hình giao thông tốt, nhưng không nên là duy nhất để tiếp cận một điểm đến du lịch vì khá “kén khách”, phụ thuộc lớn vào thời tiết. Điển hình là việc mới đây, sau bốn tháng khai trương tuyến tàu Đà Nẵng – Lý Sơn, đơn vị vận hành đã xin dừng đến hết năm 2022 do ít khách và thời tiết xấu. Được biết tàu này có sức chứa hơn 600 khách nhưng trung bình mỗi chuyến chỉ khoảng 100 người đi.
Rào cản hạ tầng giao thông cũng là lý do kìm hãm sự phát triển, thu hút đầu tư các dự án du lịch của Quảng Ngãi nói chung, Lý Sơn nói riêng. Cả tỉnh hiện chỉ có gần 4.000 phòng lưu trú, một số khách sạn đã xây dựng 15-20 năm nên đã lạc hậu. Chỉ có một khách sạn bốn sao trên đảo Lý Sơn, còn lại từ ba sao trở xuống. Tỉnh cũng chưa có một khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí nào đạt chuẩn năm sao để phục vụ khách quốc tế và người có thu nhập cao, chi tiêu lớn.
Năm 2019, dù lượng khách tới Quảng Ngãi tăng nhưng cũng chỉ dừng ở con số 1,14 triệu lượt. Lưu lượng khách tới Lý Sơn còn khiêm tốn, doanh thu vẫn chiếm tỉ trọng nhỏ. Năm 2019, khách đến Lý Sơn đạt 265.000 lượt, doanh thu 317 tỉ đồng. So với Côn Đảo, lượng du khách đến Lý Sơn chỉ bằng khoảng 66%, doanh thu du lịch chỉ bằng 1/5. Vì vậy, đời sống người dân trên đảo còn khó khăn, vẫn phụ thuộc vào nghề đi biển và trồng hành, tỏi, thu nhập khá bấp bênh, bình quân đầu người đạt trên 39,6 triệu đồng/người/năm (năm 2019).
Không tính 2 năm dịch bệnh, sau khi mở cửa trở lại, du lịch Lý Sơn đã hồi phục song chưa có sự đột phá, thậm chí dịp lễ 2/9 năm nay đảo chỉ đón trên 3.000 lượt khách – chưa bằng 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Những con số này cho thấy, để phát triển kinh tế, phát huy lợi thế du lịch, rất cần “mở cửa” bầu trời để kết nối Lý Sơn với các địa phương trong nước và thế giới. Từ thực tế của tỉnh chúng tôi rất thấu hiểu với nỗi trăn trở của nhiều địa phương ở miền núi, cao nguyên, hải đảo. Nếu hạ tầng giao thông không đi trước, mọi nỗ lực phát triển, thu hút đầu tư cũng khó mang lại hiệu quả.
Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, khi các địa phương có nhu cầu rất cần sân bay để tạo bệ phóng phát triển KT-XH, du lịch, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh, cứu trợ xã hội, đặc biệt là những nơi giàu tiềm năng nhưng khó khăn về địa hình, địa lý, cần được cân nhắc, xem xét, nghiên cứu một cách thực tiễn, xác đáng. Đặc biệt là, nếu so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực, mạng lưới sân bay của Việt Nam hiện khá khiêm tốn, còn nhiều dư địa phát triển.
Trong trường hợp sân bay Lý Sơn được cho phép đầu tư xây dựng, Quảng Ngãi sẽ định hình chân dung phát triển của Lý Sơn nói riêng, Quảng Ngãi nói chung ra sao?
Đối với “hạt nhân” Lý Sơn, chúng tôi tin rằng sân bay quốc tế sẽ tạo đường băng giúp Lý Sơn trở thành đảo du lịch, nghỉ dưỡng, một điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Khẳng định vị thế về kinh tế, du lịch, khiến cả thế giới biết đến Lý Sơn cũng chính là cách để hòn đảo tiền tiêu này hoàn thành tốt sứ mệnh đảm bảo an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Khi Lý Sơn được mở cửa bầu trời, du lịch Quảng Ngãi cũng thu hút đầu tư, từng bước phát triển đồng bộ, toàn diện. Trong tầm nhìn dài hạn, Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm đến du lịch biển đảo đặc sắc, hấp dẫn top đầu Việt Nam.
Từ những định hướng nêu trên tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn tâm huyết cùng chung tay phát triển hạ tầng, dịch vụ, du lịch bài bản, đồng bộ. Chúng tôi cũng sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ nhiều năm để tạo quỹ đất phát triển du lịch.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn : https://cafef.vn/ky-vong-som-dua-san-bay-ly-son-vao-quy-hoach-don-bay-cho-du-lich-quang-ngai-phat-trien-20221024092918362.chn