Ngã vào nồi nước sôi mẹ nấu, bé gái 1 tuổi bỏng thương tâm

Khi mẹ đang nấu nồi nước sôi trên bếp củi, bé gái 1 tuổi chạy đến, té ngã vào nồi nước khiến cơ thể bỏng nặng.

Chiều 14/12, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) đang tiếp nhận một trường hợp bị bỏng thương tâm trong sinh hoạt.

Theo Dân Trí, bệnh nhi là bé gái tên S.Đ. (13 tháng tuổi, quê Trà Vinh), được chuyển từ bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 10/12 trong tình trạng bỏng toàn thân.

Người nhà cho hay, thời điểm xảy ra sự việc, mẹ bé là chị P.N. (30 tuổi) đang nấu nước để uống bằng bếp củi bên ngoài. Bất ngờ, bé từ trong nhà chạy đến và vấp té, ngã nồi nước đang sôi.

Tai nạn thương tâm khiến nhiều vùng cơ thể bệnh nhi bị bỏng nặng, cả đôi mắt cũng bị nhúng vào nước nóng.

Các bác sĩ khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau khi thăm khám xác định, bé Đ. bị bỏng diện tích gần 20%, rải rác khắp nơi nhưng tập trung nhiều ở vùng ngực, bụng.

Suốt 4 ngày điều trị, bệnh nhân được chăm sóc tích cực, thay băng vết thương liên tục. Hiện, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, vết thương lành tốt. Dự kiến, bé còn nằm khoảng 2 tuần nữa mới có thể nghĩ đến chuyện xuất viện.

Cách xử lý khi trẻ bị bỏng nước sôi

Hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh và người chăm sóc không hiểu rõ và biết cách xử lý đúng khi trẻ bị bỏng, điều này khiến tai nạn càng trở nên trầm trọng hơn. Cần hiểu rõ, sơ cứu trẻ bị bỏng sẽ giúp tổn thương ở mức nhẹ nhất, được làm sạch và tránh bội nhiễm.

Dưới đây là những bước sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi cũng như các loại bỏng khác cần biết:

Loại bỏ tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt, đưa trẻ ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Cởi bỏ quần áo, đặc biệt là vùng da bỏng để làm mát ngay bằng nước sạch, mát (khoảng 15 – 20 độ C là tốt nhất) ít nhất 20 – 30 phút để giảm bỏng ăn sâu vào da, giảm đau và sưng viêm.

Giữ vết bỏng sạch, thoáng, có thể băng nhẹ để giảm đau tại chỗ và ngăn ngừa bụi bẩn nhưng tuyệt đối không tự ý bôi thuốc, hóa chất lên vết bỏng. Lưu ý sử dụng băng gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng.

Cho trẻ bé nhiều hơn hoặc uống nhiều nước ăn để tránh mất nước, sốc do bỏng.

Nếu trẻ còn tỉnh táo, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất, nếu trẻ bị sốc cần bế đầu cao, nghiêng 1 bên tránh trào ngược thức ăn vào khí quản. Theo dõi tình trạng trẻ cho đến khi có bác sĩ hoặc y tá xử lý.

Bên cạnh việc cấp cứu xử lý khi bị bỏng, cha mẹ cũng cần động viên tinh thần, an ủi tránh trẻ bị hoảng loạn, quấy khóc, gây khó khăn trong việc điều trị.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)

XEM THÊM