Sư trụ trì sẽ không được đứng tên sổ đỏ chùa
Hoà thượng Thích Gia Quang cho biết các chùa, tự viện sẽ được cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai, nhưng sổ đỏ sẽ đứng tên ngôi chùa chứ không đứng tên của cá nhân.
Bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi vừa được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Một trong những sửa đổi quan trọng của Hiến chương là quy định có thêm Giáo hội Phật giáo cấp cơ sở, là các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (được gọi chung trong Hiến chương là tự viện). Trước đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chỉ có 3 cấp hành chính là Trung ương Giáo hội, Ban trị sự các tỉnh, thành và Ban trị sự các huyện.
Cụ thể, Chương VIII của Hiến chương sửa đổi quy định các tự viện sẽ được thành lập Ban Quản trị tự viện là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự tại tự viện. Đây là tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của GHPGVN, chịu sự quản lý và sự lãnh đạo thống nhất của Giáo hội cấp trên theo Hiến chương và Quy chế của Giáo hội.
Điều 55 Chương VIII của Hiến chương sửa đổi quy định Ban Quản trị tự viện có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý và sử dụng con dấu, mở tài khoản tự viện tại ngân hàng, lập hệ thống sổ sách quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ cho tự viện.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, điểm mới của Hiến chương Giáo hội sửa đổi này sẽ là cơ sở quan trọng để tạo hành lang pháp lý cho các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường có tư cách pháp nhân để đứng tên sở hữu các tài sản Phật giáo, trong đó có quyền sự dụng đất và tiền công đức, tài trợ.
Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó tổng thư ký Hội đồng trị sự GHPGVN, điểm mới trong Hiến chương sửa đổi sẽ khắc phục được tồn tại của Hiến chương cũ, vốn đã có từ trước khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực. Đồng thời, sửa đổi này cũng để kịp thời phù hợp với Luật Đất đai mới sắp được ban hành.
“Các chùa, tự viện sẽ được cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai, nhưng sổ đỏ sẽ đứng tên ngôi chùa chứ không đứng tên của cá nhân”, Hoà thượng Thích Gia Quang cho biết thêm.
Với những quy định mới của Hiến chương, Hòa thượng Thích Huệ Thông khẳng định: “Một cá nhân đương nhiên có quyền tài sản, nhưng nếu tăng ni đó đang ở chùa, đang làm trụ trì thì vị đó phải chứng minh được tài sản này là của riêng. Ví dụ tài sản do cha mẹ cho, anh chị em cho hay một người phật tử cúng dường riêng. Nếu không chứng minh được thì toàn bộ tài sản đó là của Tam bảo”.
Theo Hiến chương sửa đổi, Ban Quản trị tự viện sẽ gồm 3 hoặc 5 thành viên, gồm các chức danh: Trưởng ban do Trụ trì đảm nhiệm, Phó Trưởng ban, Thư ký, Thủ quỹ, Kiểm soát. Trưởng ban Ban Quản trị tự viện và Phó Trưởng ban Ban Quản trị tự viện là Tăng ni. Các thành viên khác của Ban Quản trị tự viện là Tăng ni, hoặc Cư sĩ, tín đồ Phật tử có uy tín, năng lực làm việc, có đạo hạnh tốt, có công đức đối với đạo pháp và dân tộc.
Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, tới đây, bản Hiến chương GHPGVN sửa đổi sẽ được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trình Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn và ban hành để chính thức trở thành bản Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VII được Nhà nước công nhận.
Theo VTC
https://vtc.vn/su-tru-tri-se-khong-duoc-dung-ten-so-do-chua-ar717209.html?fbclid=IwAR1_Dq8pVkgCpfJSSAozmRaidbWFlpjDwcmW243V8pLqt6iBpy9eTVKWzNw