Tháng 10/2024: Người nhận lương hưu có thêm quyền lợi đặc biệt, hưởng lợi chưa từng có
Ngay trong ngày đầu tiên Nghị định số 75 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện chi trả lương hưu cho người hưởng.
Báo Thời báo VHNT ngày 28/09 đưa thông tin với tiêu đề: “Tháng 10/2024: Người nhận lương hưu có thêm quyền lợi đặc biệt, hưởng lợi chưa từng có” cùng nội dung như sau:
Hưởng thêm lợi ích từ tăng lương cơ sở
Tháng 5, BHXH Việt Nam đã có bảng so sánh quyền lợi của người lao động chọn rút BHXH một lần với người chọn chế độ hưu trí trong năm 2024.
BHXH Việt Nam giả định trường hợp người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2003 đến năm 2022), bao gồm 11 năm trước năm 2014 và 9 năm từ năm 2014 trở đi; mức bình quân tháng đóng BHXH là 6 triệu đồng/tháng.
Khi chọn rút BHXH một lần, người lao động (cả nam lẫn nữ) được nhận 1,5 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 (11 năm), 2 lần mức bình quân tháng đóng BHXH cho mỗi năm tham gia BHXH từ năm 2014 trở đi (9 năm). Như vậy, người lao động được nhận: 6 triệu đồng x (1,5×11 + 2×9) = 207 triệu đồng.
Trong khi đó, lao động nam nghỉ hưu trong năm 2024 là 61 tuổi thì trung bình sẽ được hưởng lương hưu khoảng 10,1 năm, tương đương 121 tháng (vì tuổi thọ trung bình của nam giới hiện là 71,1 tuổi).
Như vậy, tổng số tiền mà lao động nam lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (121 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 367.501.500 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 160.501.500 đồng.
Đối với lao động nữ, khi nghỉ hưu trong năm 2024 là 56 tuổi 4 tháng thì sẽ được hưởng lương hưu khoảng 20 năm 2 tháng, tương đương 242 tháng (vì hiện tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,5 tuổi).
Như vậy, tổng số tiền mà lao động nữ lựa chọn hưởng lương hưu được hưởng từ quỹ BHXH (242 tháng lương hưu, mai táng phí và tử tuất khi qua đời) là 862.437.000 đồng, cao hơn so với rút BHXH một lần là 655.437.000 đồng.
Tuy nhiên, bảng so sánh trên được thực hiện vào tháng 5/2024, chưa tính đến mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.
Khi tính theo mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7, quyền lợi đầu tiên mà người chọn hưởng lương hưu được tăng thêm là trợ cấp mai táng phí.
Khi người lao động mất, thân nhân của họ còn được nhận trợ cấp mai táng phí là 10 tháng lương cơ sở. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, mai táng phí là 23,4 triệu đồng, tăng 5,4 triệu đồng so với mức cũ.
Thứ 2, lương cơ sở tăng 30% dẫn đến chi phí mua thẻ BHYT theo diện hộ gia đình cũng tăng thêm 30% trong năm 2024. Mức tăng này khiến số tiền mà người lao động chọn rút BHXH một lần chi ra để mua BHYT tăng lên đáng kể. Họ phải chịu thiệt chi phí này trong suốt thời gian nghỉ hưu (hơn 10 năm với lao động nam, hơn 20 năm với lao động nữ).
Trong khi đó, đối với người chọn hưởng lương hưu, khi lương hưu tăng thì mức đóng BHYT hằng năm của họ cũng tăng. Tuy nhiên, khoản chi phí tăng thêm này do quỹ BHXH chịu vì tiền mua thẻ BHYT là do quỹ BHXH chi trả. Do đó, người hưởng chế độ hưu trí không cần lo lắng khi tăng lương cơ sở làm tăng chi phí mua thẻ BHYT.
Trước đó, báo Dân trí ngày 28/09 cũng có bài đăng với thông tin: “Tăng lương cơ sở tác động đến người đóng bảo hiểm xã hội ra sao?”. Nội dung được báo đưa như sau:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp với nội dung: “Kiến nghị cần đánh giá tác động của tăng lương cơ sở đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện; xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng này, vì hiện nay đời sống người dân rất khó khăn”.
Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Về đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người tham gia BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác liên quan đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách tiền lương mới đối với việc thực hiện chính sách BHXH.
Trong đó, có việc đánh giá tác động khi tăng mức lương cơ sở đối với người đang tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới.
Về việc xem xét nâng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, Bộ này cho biết, chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2018 với các mức hỗ trợ hiện hành quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ, đồng thời khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó có nội dung: “…có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH để mở rộng diện bao phủ BHXH”.
Như vậy, nội dung kiến nghị của cử tri sẽ được trao đổi, thảo luận trong quá trình nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật BHXH, trong đó có nội dung về chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu trên.
Kiến nghị hỗ trợ đối với người tham gia BHYT
Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT dựa trên điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hằng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở.
Trên cơ sở quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã quy định mức đóng BHYT là 4,5%.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
https://sohuutritue.net.vn/thang-10-2024-nguoi-nhan-luong-huu-co-them-quyen-loi-dac-biet-huong-loi-chua-tung-co-d240841.html