Tiết lộ khó tin về cụ bà 122 tuổi ở Hải Dương
Cụ Nguyễn Thị Cơ, 122 tuổi – người vừa được ghi nhận là cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương vẫn có thể tự tay xúc cơm ăn hàng ngày, minh mẫn và có sức khỏe tốt.
Cụ Nguyễn Thị Cơ, 122 tuổi – người hiện cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương
Chúng tôi không gặp khó khăn khi tìm nhà cụ Nguyễn Thị Cơ bởi người dân quanh vùng phần lớn đều biết cụ.
Đi đến đầu thôn Phạm Khê (xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), thấy phóng viên tay cầm máy ảnh, chưa cần cất tiếng hỏi, một người dân đã lên tiếng: “Đến nhà cụ Cơ hả?”.
Khi chúng tôi đến nhà thăm, cụ Cơ đang ngồi nghỉ ngơi trên võng.
“Cụ nhà tôi vừa ăn sáng được một lúc. Bình thường cụ nằm giường, đôi lúc xuống nằm võng để đỡ đau lưng. Vài năm trước, sức khỏe khá hơn, cụ vẫn thường ra sân hóng mát, nói chuyện với hàng xóm nhưng từ khi mắt lòa, cụ chỉ quanh quẩn trong nhà”, bà Nguyễn Thị Hạt (74 tuổi), con gái út của cụ cho biết.
Bà Hạt và căn nhà nơi cụ Cơ sinh sống
Theo các giấy tờ chính thức, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901 tại xã Đoàn Đào, huyện Phù Tiên, tỉnh Hải Hưng (nay là xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến năm 2023, cụ Cơ là người cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương (theo năm sinh ghi trên căn cước công dân).
Cụ bà cao tuổi gần như không ốm vặt
Ở độ tuổi cao, hàng ngày cụ Cơ không có quá nhiều hoạt động. Ngoài những lúc ăn uống, phần lớn thời gian cụ Cơ nằm trên giường hoặc trên võng, mắt lim dim như ngủ.
Khi PV xuất hiện và thưa chuyện hỏi thăm, cụ vẫn dõi mắt theo sự chuyển động của mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hạt cho biết hiện nay mẹ bà dù đã yếu hơn trước nhưng sức khỏe vẫn tốt, hầu như không ốm vặt. Đặc biệt, cụ vẫn tỉnh táo, minh mẫn và không bị lẫn như nhiều người cao tuổi khác. Cụ vẫn có thể nói chuyện nhưng vì mỗi lần nói sẽ mệt nên chỉ khi nào cần, cụ mới đáp bằng những từ ngắn gọn “ừ”, “được”, “đi đâu?”.
“Trước giờ cụ chưa đi viện lần nào và hầu như không ốm đau lặt vặt gì, chứ ở tuổi này, chỉ cần ốm nhẹ thôi là cũng nên chuyện”, bà Hạt cho biết.
Bà Hạt cho biết, cụ Cơ sức khỏe vẫn tốt, hầu như không ốm vặt
Do lưng đã còng nên cụ không còn tự mình đi đứng, nhưng cụ vẫn nhận biết về việc vệ sinh, khi cần cụ sẽ gọi và bà Hạt sẽ dìu mẹ mình đi.
Bà Hạt kể, cụ Cơ rất dễ tính trong việc ăn uống. Nhà có gì ăn nấy, chứ không câu nệ đồ này thức kia. “Mẹ tôi giờ vẫn ăn cơm, mỗi bữa một lưng cơm, chủ yếu ăn với muối vừng, thỉnh thoảng có miếng giò miếng chả. Đôi lúc đổi bữa tôi nấu cháo cho cụ ăn”, bà Hạt chia sẻ đồng thời cho biết cụ Cơ không thích ăn vặt.
Trò chuyện với phóng viên, thấy kim đồng hồ chỉ 11h, bà Hạt chạy xuống bếp, múc ít cháo nóng vào bát rồi đưa lên cho mẹ ăn. Được con gái đỡ dậy, cụ Cơ tự xúc cháo ăn. Chừng 15 phút, cụ ăn xong bữa, bà Hạt lấy nước cho cụ uống, lau miệng rồi cụ nằm xuống.
Phúc đức lớn nhất của gia đình
Cụ Nguyễn Thị Cơ lấy cụ Nguyễn Hữu Giản và là vợ hai của cụ Giản, sinh hạ được 2 người con gái. Con gái lớn tên là Nguyễn Thị Tràng, năm nay 76 tuổi, chị của bà Hạt. Bà Tràng lớn lên lấy chồng ở xã Lê Hồng (cũng trong huyện Thanh Miện) còn bà Hạt vì nặng lòng với bố mẹ già nên tình duyên lận đận. Bà chỉ có một người con gái lấy chồng ở gần nhà.
Kể từ khi con gái bà Hạt đi lấy chồng, ngôi nhà chỉ còn bà Hạt với cụ Cơ. Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào trồng lúa. Từ ngày cụ Cơ mắt mờ, chân chậm, không tự đi lại, bà Hạt đành bỏ ruộng hoang ở nhà chăm sóc mẹ. Kể từ đó, mỗi tháng, hai mẹ con sống nhờ 1,3 triệu đồng tiền trợ cấp người cao tuổi của cụ Cơ.
Từ khi mắt lòa, cụ Cơ chỉ quanh quẩn trong nhà
Trong căn nhà được xây từ năm 1982, hầu như không có đồ vật gì giá trị. Đến chiếc tủ gỗ gãy chân cũng được kê bằng những viên gạch xếp chồng lên nhau. Chiếc tivi cũ được người ta cho nhưng hầu như không được bật để “tiết kiệm điện”.
Bà Hạt kể, trước đây tường nhà đầy rêu mốc, vữa bong tróc từng mảng nhưng hai mẹ con cũng đành để mặc. Mỗi lần mưa, nước trên mái tong tỏng rớt xuống, hai mẹ con gom xô chậu bày la liệt dưới nền gạch. Năm 2018, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người thân, ngôi nhà được lợp lại tôn và ốp nhựa quanh tường, nhờ vậy mẹ con bà Hạt cũng đỡ vất vả.
Ở nhà chăm sóc mẹ, bà Hạt tranh thủ nuôi thêm vài con gà và trồng rau trên mảnh vườn nhỏ để cải thiện cuộc sống. “Người già ăn uống chẳng là bao, hơn nữa nhờ ơn trời, mẹ tôi ít ốm đau nên dù khó khăn mẹ con vẫn gọi là tạm đủ sống”, người phụ nữ 74 tuổi nói.
Cụ Cơ ăn cháo do con gái út nấu
Dẫu điều kiện kinh tế khó khăn nhưng suốt buổi trò chuyện bà Hạt vẫn thể hiện sự lạc quan và niềm hạnh phúc khi nhắc về mẹ mình. “Mẹ tôi được trường thọ như vậy là phúc đức lớn nhất của gia đình chúng tôi mà không phải ai cũng có. Chúng tôi thấy vui và mong cụ sống khỏe với con cháu”, bà Hạt hồ hởi nói.
Cụ hiện là người cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương
Ông Nguyễn Viết Anh – Phó chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết, cụ Cơ đã cao tuổi nên những người cùng thời không còn ai để chứng thực các thông tin.
Bên cạnh đó, cụ Cơ vốn không phải người gốc ở đây nên địa phương chỉ có căn cứ duy nhất là giấy tờ cụ còn lưu giữ, cụ thể là giấy CMND của cụ làm từ năm 1979 để làm CCCD mới cho cụ. Cũng từ thông tin đó, địa phương làm căn cứ để tổ chức chúc thọ cho cụ hàng năm.
Về hoàn cảnh mẹ con cụ Cơ, ông Anh cho hay đây là 1 trong 7 hộ nghèo đặc biệt của thôn. Ngoài việc làm thủ tục để gia đình cụ Cơ được hưởng mức trợ cấp dành cho người cao tuổi, bảo hiểm y tế toàn phần, vì điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, lãnh đạo xã cũng chỉ có thể tổ chức thăm hỏi vào những dịp lễ, Tết theo quy định.
(còn nữa)
Thành Nam
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiet-lo-kho-tin-ve-cu-ba-122-tuoi-o-hai-duong-2216146.html