Chợ chim trời tồn tại hàng chục năm ở Quảng Ngãi

Tình trạng buôn bán chim trời tồn tại ở TP Quảng Ngãi hàng chục năm. Chim trời bị tận diệt, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học…

Chợ chim trời ở Quảng Ngãi tập trung trên đường Trần Văn Trà, phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi, gần công viên núi Long Đầu. Chỉ một đoạn đường dài khoảng chục mét, nhưng có bảy điểm buôn bán chim trời. Những ngày rằm có trên chục điểm buôn bán chim trời.

Điểm bán chim trời trên đường Trần Văn Trà, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Rất nhiều loại chim như họa mi, chim sẻ, khướu, chào mào, chim ry… được các chủ kinh doanh thu mua từ những người đi đánh bắt chim chuyên nghiệp. Các loại chim này được người tiêu dùng mua về để phóng sinh, làm thức ăn ở các nhà hàng, quán nhậu, mua về nuôi làm cảnh… Trong vai một người đi mua chim trời, chúng tôi hỏi một phụ nữ để mua chim ri về phóng sinh, với giá 13.000 đồng/con. Người phụ nữ này cho biết, chim trời được bà mua lại từ những người đánh bắt chim bằng các loại lưới hoặc keo dính. Ngày rằm, bà bán được khoảng 500 con, còn ngày thường bán được khoảng 200 con. Người mua chim ri, chim sẻ… chủ yếu mang về để phóng sinh.

Điểm bán chim trời này hoàn toàn tự phát. Chim tự nhiên cạn kiệt cũng đồng nghĩa với hệ sinh thái bị suy giảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Viên

Tại khu vực chợ chim trời này, loại rẻ nhất là chim sẻ có giá 10.000 đồng/con, con cao nhất là chào mào, họa mi giá khoảng 1,5- 2 triệu đồng/con.

Những năm gần đây phong trào chơi chim cảnh, hay tục phóng sinh ngày càng phổ biến thì việc mua bán chim trời cũng nở rộ. Vì lợi nhuận, các tay săn chim rừng dùng đủ cách thức để vây bắt chim trời. Từ dùng lưới, keo dính, loa dụ chim… để lại nhiều hệ lụy khi các loại chim hoang dã ngày càng cạn kiệt, dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Việc buôn bán chim trời diễn ra công khai. Tuy nhiên, chế tài xử lý triệt để vấn nạn này gặp nhiều trở ngại.

Các điểm bán chim trời tràn lan trên đường Trần Văn Trà, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Ông Phạm Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vẫn biết có nhiều điểm bán chim trời hoạt động, tuy nhiên, những loại chim được bày bán ở TP Quảng Ngãi thường không nằm trong danh mục động vật quý hiếm, nên chưa có chế tài để xử lý, dẹp bỏ. Chính vì vậy, Chi cục kiểm lâm tỉnh cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở những hộ kinh doanh này không buôn bán chim trời. Trong khi các chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế, thì cách tốt nhất để bảo vệ chim trời là người dân không nên mua các loại chim này về nuôi hay chế biến làm thức ăn. Khi nhu cầu dừng lại, thì ắt nguồn cung sẽ từ từ được dẹp bỏ.

Chim trời cất tiếng kêu thảm thiết, chờ người mua phóng sinh để được tự do. Ảnh: Ngọc Viên

Đại đức Thích Thông Huy – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, phóng sinh tuyệt nhiên không phải là mua nhiều chim, cá rồi đem đi phóng sinh. Chính hành động đó sẽ tiếp tay cho nhiều người chuyên đi săn lùng, bắt các loại chim, cá vào những dịp lễ lớn; tạo điều kiện cho những người hám lợi, thực hiện các hành vi tổn hại đến động vật theo kiểu tận diệt, làm mất đi ý nghĩa nhân văn trong Phật giáo.

Chim cu vằn được bày bán ở chợ chim trời. Ảnh: Ngọc Viên

“Để có được một con vật đến với tay người thả phóng sinh, chắc chắn sẽ có nhiều con bị chết vì mệt mỏi, bệnh tật, đói khát. Người dân cần phải hiểu đúng để hành động đúng. Việc phóng sinh chỉ nên mang tính tượng trưng, trong một thời điểm, với số lượng được phóng sinh nhất định”- Đại đức Thích Thông Huy khuyến cáo.

VIÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/cho-chim-troi-ton-tai-hang-chuc-nam-o-quang-ngai-1236190.ldo

XEM THÊM