Doanh nghiệp nợ 193 tỉ đồng khiến hàng nghìn lao động ở Quảng Ngãi lao đao

Hàng nghìn người lao động ở Quảng Ngãi đang chịu nhiều thiệt thòi vì bị các chủ doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp .

Người lao động làm việc hàng chục năm cho Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi nhưng bị doanh nghiệp này nợ lương, bảo hiểm… Ảnh: Ngọc Viên

Nổi cộm là tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH)… tại Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi (đường Hai Bà Trưng, TP Quảng Ngãi – thuộc Tổng Công ty Licogi). Công ty này nợ lương người lao động toàn công ty 8 tỉ đồng, nợ BHXH 7,5 tỉ đồng. Trong suốt hơn 4 năm qua, người lao động của công ty cùng các cơ quan chức năng đã có những động thái quyết liệt nhằm giúp người lao động đòi quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này vẫn phớt lờ các quy định của pháp luật, trốn tránh trả lương, BHXH… cho người lao động với lý do tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động vào chiều 29.10, ông Nguyễn Cao Tính (ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) cho biết: “Tôi làm việc ở phân xưởng nhà máy gạch Phong Niên, thuộc Công ty Licogi từ năm 1994. Tháng 10.2020, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, khiến tôi thất nghiệp, về nhà bán bún phụ vợ để mưu sinh. Từ 2019-2020, số tiền công ty nợ tôi bao gồm lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp là 97 triệu đồng. Nhiều lần chúng tôi kéo đến công ty đòi nợ, cũng như nhờ các cơ quan chức năng hỗ trợ nhưng đến nay số tiền công ty nợ người lao động vẫn chưa được giải quyết”.

Sau khi bị Công ty Cổ phần Licogi Quảng Ngãi cho thôi việc, rồi còn bị công ty này nợ lương…, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Tiên (52 tuổi) ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong rơi vào cảnh khó khăn. Ảnh: Ngọc Viên

Tính đến cuối tháng 9.2023, thống kê của ngành bảo hiểm xã hội tỉnh có khoảng 2.586 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, gây nợ đọng kéo dài với tổng số tiền 193 tỉ đồng. Con số này so với những năm trước và so với cả nước đều tăng cao. Riêng với so với cùng kỳ năm trước tăng khoảng 30%.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động vào chiều 29.10, ông Trương Quang Hùng – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi – cho biết, nợ đọng BHXH tập trung nhiều ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ngành cũng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, có kết luận gửi hồ sơ đến công an, nhưng quá trình thụ lý hồ sơ khởi kiện gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến các cấp ngành vướng nhiều cơ chế pháp lý, nên người lao động không thể uỷ quyền cho tổ chức công đoàn ở đơn vị mà họ làm việc đứng ra khởi kiện chủ doanh nghiệp.

Ông Trương Quang Hùng cũng cho biết, BHXH tỉnh đã chỉ đạo cho BHXH các huyện, thị xã tập trung phối hợp với các ban ngành, tổ chức thu và truy thu nợ đọng BHXH… Thường xuyên nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh tại các đơn vị sử dụng lao động, nhằm xây dựng dữ liệu để theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đóng BHXH. Cử các cán bộ trực tiếp đến doanh nghiệp đôn đốc đóng BHXH cho người lao động khi doanh nghiệp có dấu hiệu chậm đóng, tránh nộp. Đơn vị nào nợ BHXH từ ba tháng trở lên, BHXH tỉnh sẽ lập danh sách chuyển đến Cục thuế tỉnh truy thu, thanh tra, kiểm tra.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc truy thu nợ đọng BHXH ở Quảng Ngãi vẫn khó đạt được mục tiêu đề ra. Ông Trương Quang Hùng cho biết, trong thời gian đến BHXH tỉnh sẽ đề xuất các ngân hàng không cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, không cho tham gia đấu thầu ở các công trình do ngân sách Nhà nước đầu tư. Phong toả các khoảng nợ đọng kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 9 tháng trở lên. Cơ quan thuế dừng cấp hoá đơn để đơn vị nợ thực hiện trả nợ. Sở KH&ĐT thu hồi giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp nợ BHXH. Biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra toà.

VIÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-no-193-ti-dong-khien-hang-nghin-lao-dong-o-quang-ngai-lao-dao-1260674.ldo

XEM THÊM