Hàng nghìn nhà dân ngập lũ

Sáng 11/10, mưa ngớt, nước lũ bắt đầu rút, nhưng hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn ngập 20-100 cm, người dân phải đi lại bằng thuyền.

Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, trời tạnh ráo, nước lũ trên sông Tam Kỳ rút xuống chậm, hiện hơn 1.500 ngôi nhà ở vùng thấp trũng các xã Tam Ngọc, Phước Hòa, An Sơn, Hòa Hương, An Phú, Tân Thạnh và xã Tam Thăng ngập 20-100 cm.

Cột đo nước lũ ở phường Phước Hòa rạng sáng 11/10 ghi nhận lũ lên 2,32 m, trên báo động 2 là 12 cm. Đến 7h hôm nay, nước rút xuống còn 1,8 m, dưới báo động 2 là 40 cm (cao nhất là báo động 3).

Đợt lũ lịch sử năm 1999, mực nước trên sông Tam Kỳ là 3,24 m.

Người dân khối phố 3, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, dùng ghe thuyền di chuyển trên đường phố ngập hơn nửa mét.

Chị Hương, khối phố 3, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, lội nước ra chợ mua thức ăn. Thống kê của phường Phước Hòa, 65% khu dân cư với hơn 420 hộ dân bị ngập dưới nửa mét.

Nhiều nơi ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, sáng nay ngập sâu 50-100 cm.

Từ tối 9/10, Quảng Ngãi mưa lớn, nước sông Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu dâng cao gây ngập vùng ven sông các huyện Nghĩa Hành, thị xã Đức Phổ, huyện Bình Sơn. Hàng nghìn nhà dân bị ngập sâu khoảng một mét. Địa phương đã sơ tán hơn 1.000 hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Đến trưa nay, mưa ngớt, nước rút dần.

Nước ngập nửa bánh xe tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành.

Ông Nguyễn Tập ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, dùng những thanh gỗ chắn tạm trước nhà để ngăn sóng nước tràn vào. “Nhiều xe chạy nhanh quá, sóng mạnh tràn cả vào nhà”, ông Tập nói.

Trong căn nhà ngập 30 cm ở khối phố 3, phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, bà Nguyễn Thị Bích Lợi tranh thủ đứng ăn sáng. “Rạng sáng nay nước lũ tràn vào nhà, tài sản đưa lên cao trước khi nước dâng lên không bị hư hỏng”, bà nói. Đợt lũ này không cao so với các năm trước, mặc dù mưa lớn nhưng hồ thủy lợi Phú Ninh chưa xả lũ.

Ông Huỳnh Tam, 54 tuổi, phường Phước Hòa, cho cả ghe vào nhà để đi lại. Trong mưa lũ, chính quyền TP Tam Kỳ di dời 649 người xã Tam Thăng 640, An Phú 230 người, Tân Thạnh 32 người, Hòa Thuận 47 người, Tam Phú 605 người, An Xuân 130 người, An Sơn 190 người.

Một hộ dân ở phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ, dùng giàn giáo cho gia cầm đậu tránh nước lũ.

Quốc lộ 1 qua huyện Phú Ninh và Thăng Bình, Quảng Nam, ngập ba đoạn, nơi sâu nhất gần nửa mét, phải cấm đường. Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng chốt chặn hai đầu đoạn ngập, hướng dẫn tài xế ôtô đi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, xe máy đi theo đường ven biển Quảng Nam.

 

Mưa lớn cũng gây sạt lở núi ở thủy điện Kà Tinh, xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi làm một công nhân mất tích. Hiện Trà Bồng và Ba Tơ được đưa vào nguy cơ sạt lở rất cao.

Gió mùa đông bắc tràn đến miền Trung từ tối 9/10, gây mưa lớn cho các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, Bình Thuận. Một số nơi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa đặc biệt lớn, trên 400 mm, là nguyên nhân gây ngập, sạt lở đất.

Thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 2 người chết, một người mất tích (đều ở Quảng Nam), 72 điểm đường bị ngập 20-70 cm, gần 400 ha cây ăn trái, 47 ha thủy sản bị thiệt hại. Thủy điện Kà Tinh (Quảng Ngãi) bị sạt lở vùi lấp một tổ máy.

Đắc Thành – Phạm Linh

Nguồn VNE : https://vnexpress.net/hang-nghin-nha-dan-ngap-lu-4521937.html

XEM THÊM