Lần đầu tiên vàng nhẫn 9999 bật lên 62 triệu đồng/lượng

Phiên giao dịch ngày 25-11, giá vàng nhẫn 9999 tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên thị trường xuất hiện mức giá 62 triệu đồng/lượng.

Nhờ đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999 tại thị trường vàng trong nước đồng loạt leo dốc.

Vàng miếng SJC ghi nhận mức giá cao nhất từ đầu năm

Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng được mua vào ở mức 71,3 triệu đồng/lượng và bán ra là 72,3 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như DOJI, Phú Quý, Phú Nhuận chỉ cộng thêm 250.000 – 350.000 đồng cho mỗi lượng vàng miếng SJC. So với cuối tuần trước, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 1,6 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn 9999 lên mốc cao chưa từng có.

Tương tự, vàng nhẫn 9999 thương hiệu SJC niêm yết giá mua ở mức 60,2 triệu đồng và bán ra 61,1 triệu đồng, đắt hơn 200.000 đồng so với chốt phiên hôm qua. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận neo giá vàng nhẫn 24K ở mức 60,2 – 61,4 triệu đồng/lượng, tăng tới 550.000 đồng ở chiều mua và 500.000 đồng ở chiều bán so với một ngày trước.

Thế nhưng, đây vẫn chưa phải mức giá cao nhất trên thị trường vàng trong nước. Bởi hiện tại, hai doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn là Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải đã công bố giá mua bán vàng 9999 lên tới 61,02 – 62,02 triệu đồng/lượng.

Có thể nói, mốc 62 triệu đồng một lượng vàng nhẫn 9999 là mức giá không tưởng, phá vỡ tất cả các mốc kỷ lục từng thiết lập trong hai tuần gần đây.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng bật mạnh lên 2.003 USD/ounce, cao hơn 11 USD/ounce so với giá mở cửa. Quy đổi theo tỉ giá, kim loại quý tương đương 59 triệu đồng/lượng (chưa tính các loại thuế, phí). Với mức giá này, vàng thế giới thấp hơn vàng nhẫn tròn trơn 24K khoảng 2 triệu đồng và thấp hơn vàng miếng SJC trên 13 triệu đồng/lượng.

Khi nào giá vàng thế giới lập kỷ lục mới?

Thị trường vàng thế giới đã lấy lại mốc 2.000 USD/ounce và đây là tuần thứ hai liên tiếp vùng giá quan trọng này được duy trì.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích thị trường hàng hóa tại TD Securities cho biết trong tuần qua, các doanh nhân Trung Quốc đã mua khoảng 17,5 tấn vàng.

Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities cho rằng: Các doanh nhân Trung Quốc tiếp tục bổ sung lượng vàng vào danh mục tài sản cần nắm giữ. Nhu cầu bất ngờ này là một trong những lý do khiến giá vàng tăng mạnh.

Tuy nhiên, động thái này chủ yếu mang tính đầu cơ, cộng thêm với việc Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn có thời hạn cũng làm suy yếu lực mua trú ẩn an toàn của kim loại quý. Do đó, giá kim loại quý có thể sẽ giảm xuống dưới 2.000 USD/ounce.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng trong thời gian ngắn giá kim loại quý vẫn được hỗ trợ nhờ yếu tố mùa vụ. Theo ông Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại tại MKS PAMP, trong năm năm qua, vàng luôn đạt mức tăng trung bình 2,7% từ lễ Tạ ơn đến ngày 31-12.

Về lâu dài, đà tăng của giá vàng cần phải phụ thuộc vào quan điểm chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Barbara Lambrecht – nhà phân tích thị trường hàng hóa của Commerzbank nêu quan điểm: “Nhà đầu tư sẽ phải đợi đến khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành thì vàng mới có thể duy trì đà tăng vững chắc ở mốc trên 2.000 USD/ounce. Bởi gần đây, Chủ tịch FED – Jerome Powell cho rằng lãi suất điều hành vẫn cần duy trì ở mức cao do lạm phát vẫn chưa được kiểm soát”.

Với sự tập trung mới vào chính sách tiền tệ của Mỹ, thị trường vàng sẽ nhạy cảm với dữ liệu GDP và lạm phát của nước này. Mặc dù nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc trong quý III nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong quý IV.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/lan-dau-tien-vang-nhan-9999-bat-len-62-trieu-dongluong-post763417.html

 

XEM THÊM