Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới

‘Lương của tôi sau hơn 10 năm giảng dạy là 6,6 triệu đồng, không đủ để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bố mẹ cũng đã già, tôi buộc phải lựa chọn,’ cô Tuyền rưng rưng nói.

Với cô Trịnh Thị Kim Tuyền, hình ảnh này, bục giảng này, niềm vui với học trò, niềm say mê với bảng đen phấn trắng giờ chỉ còn là kỷ niệm, là một thời để nhớ. (Ảnh: NVCC)

Bài 2: 13.000 giáo viên nghỉ việc mỗi năm, cách nào giữ chân nhà giáo?

Từng ngón tay run run khi gõ lá đơn xin nghỉ việc, cô Trịnh Thị Kim Tuyền, nguyên giáo viên Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang không cầm được nước mắt bảo sau 14 năm gắn bó với ngành giáo dục, cô không thể nghĩ đến ngày phải lìa xa bục giảng.

“Lương của tôi sau hơn 10 năm giảng dạy là 6,6 triệu đồng, không đủ để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, bố mẹ cũng đã già, tôi buộc phải lựa chọn,” cô Tuyền rưng rưng nói.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học vừa qua (tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023), tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000 người, bình quân mỗi năm trên 13.000 người. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000.

“Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Số lượng giáo viên vốn đã thiếu lại hụt thêm mỗi năm. Giải pháp nào để giữ chân nhà giáo là vấn đề lớn của ngành. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ban hành năm 2013 đã nêu rõ: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (…) Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao (…) Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”

Tuy nhiên, sau 10 năm, tăng thu nhập của giáo viên vẫn là vấn đề bức thiết của ngành.

Tìm nghề “tay trái” để nuôi nghề “tay phải”

Tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đứng lớp từ năm 2005, chật vật mới tìm được một suất biên chế, nhưng đến nay, thu nhập của cô Nguyễn Thị Thanh (Thái Bình) chỉ hơn 7 triệu đồng.

“Sau chừng ấy năm cống hiến, lương chỉ tương đương thu nhập của một công nhân mới chân ướt chân ráo vào một xưởng may ở địa phương và chưa đủ tiền học cho hai đứa con. Đời sống kinh tế gia đình dựa hoàn toàn vào thu nhập của chồng,” cô Thanh buổn bã nói.

Cô Thanh bảo, để có thêm thu nhập, giáo viên như cô chỉ có hai lựa chọn: Hoặc là mở lớp dạy thêm và tìm nhiều cách khác nhau để học sinh đi học thêm, bất chấp các lệnh cấm hay thậm chí cả sự day dứt vì lương tâm nghề nghiệp, hoặc là tìm một công việc “tay trái” để nuôi “tay phải”, nuôi tình yêu nghề, vì phải “có thực mới vực được đạo”.

Thay vì mặc áo dài bước lên bục giảng, đồng lương giáo viên eo hẹp khiến cô Tuyền buộc phải lựa chọn khoác lên mình chiếc tạp dề đứng quán mưu sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Suốt 7 năm qua, quán bún đậu mắm tôm là nguồn thu nhập chính của cô Trịnh Thị Kim Tuyền. “Khi đi làm, đồng lương không đủ để chăm lo cho gia đình, con cái, buộc mình phải vươn ra bên ngoài để kiếm sống. Khi không thể cân đối được thời gian cho cả hai thì mình buộc phải lựa chọn,” cô Tuyền chia sẻ.

Và cô đã buộc phải chọn “miếng cơm manh áo” cho gia đình, chọn lo cho cho các con cuộc sống đầy đủ hơn, lo cho cha mẹ già tuổi cao sức yếu, chọn lá đơn xin nghỉ công việc mình đã được đào tạo bài bản, đã say mê và cống hiến cả thanh xuân.

Với giáo mầm non, nỗi niềm càng đau đáu hơn khi sự vất vả với nghề còn lớn hơn so với các bậc học khác trong khi thu nhập thấp hơn. Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, công tác tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên đã có hàng chục năm gắn bó với nghề.

Cô Hường cho hay theo quy định, thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế, các cô thường làm việc ở trường 10-11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn, đến trường trước khi phụ huynh đi làm và ra về khi phụ huynh cuối cùng đến trường đón con, không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Trong khi đó, áp lực công việc lớn, thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ.

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường cho hay thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với thời gian, công sức. (Ảnh: GDTĐ)

Những giáo viên miền núi như cô, khoảng cách từ trung tâm đến điểm trường lẻ có khi đến 50 cây số, giao thông đi lại khó khăn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nhiều nơi không có nhà công vụ, thiếu nước sạch, chưa có điện trong khi giáo viên phải ăn ở, ngủ nghỉ tại điểm trường cả tuần, thậm chí là cả tháng. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ còn thiếu thốn nên giáo viên phải thường xuyên tự làm cũng như huy động cha mẹ của trẻ cùng làm.

“Không thể kể hết những nhọc nhằn của giáo viên mầm non, nhưng tôi tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ cần có một ngày trải nghiệm làm giáo viên mầm non tại vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những vất vả của chúng tôi,” cô Hường chia sẻ.

Cũng theo cô Hường, vất vả và áp lực nhưng thu nhập của giáo viên mầm non chưa tương xứng với thời gian, công sức, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Đây cũng là tâm tư của cô Lý Thị Trinh Nguyên, giáo viên mầm non tỉnh Hậu Giang. Cô Nguyên cho hay giáo viên mầm non gần như phải làm việc gấp đôi số giờ quy định, với công việc vất vả, phải đóng rất nhiều vai: phải vừa nuôi vừa dạy, chăm sóc từng cháu, phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ, lại gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia về can thiệp sớm, chuyên gia về tư vấn tâm lý, lại chịu áp lực lớn từ phụ huynh.

Cung đường đến điểm trường Xà Lủng B, Trường Mầm non Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) nhỏ hẹp, gập ghềnh, cheo leo bên vách núi. (Ảnh: NVCC)

“Tuy nhiên, hiện tại, chế độ lương và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non vẫn còn thấp so với các ngành nghề khác. Dù đã được phụ cấp 33% nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua có rất nhiều giáo viên mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác,” cô Nguyên chia sẻ.

Đề nghị tăng lương, nâng phụ cấp cho giáo viên

Cô Nguyên cho hay mong mỏi của giáo viên mầm non là đề nghị Chính phủ sớm tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để thu hút được đội ngũ và giúp các cô an tâm công tác.

Trong buổi gặp gỡ với gần một triệu giáo viên cả nước mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thu nhập của giáo viên là một trong những vấn đề được các thầy cô đặt ra đầy bức thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết có hơn 6.000 ý kiến đã được cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục gửi đến Bộ trưởng; trong đó gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp. Nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên nói chung để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Khoảng 500 ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Đại diện cho tiếng nói của giáo viên Tiền Giang, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho hay nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55), nhất là giáo viên mầm non.

Các giáo viên đề nghị tăng lương, tăng phụ cấp, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vì công việc quá vất vả. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

“Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung, mong Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất,” cô Duyên nói.

Đại diện cho giáo viên Quảng Ngãi, cô Lưu Trương Kim Tuyền, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi cho hay cán bộ, giáo viên tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, trong đó có vấn đề lương và phụ cấp của nhà giáo thấp so với mặt bằng chung, dẫn đến tình trạng giáo viên khó yên tâm công tác, nhiều giáo viên bỏ việc.

“Kính mong Bộ trưởng tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập cho đội ngũ đảm bảo cuộc sống,” cô Tuyền kiến nghị.

Kiến nghị về chính sách riêng với giáo viên mầm non, cô Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên Trường Mầm non 1, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. “Bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch, trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác,” cô Hồng đề nghị.

Chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách quan tâm đến giáo viên mầm non. Theo đó, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp một lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

“Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra,” Bộ trưởng nói.

Lắng nghe chia sẻ của các nhà giáo trong buổi gặp gỡ giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ông rất thấu hiểu nỗi lòng nhà giáo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thấu hiểu nên trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ ngành, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều phải cố gắng “tranh thủ” bày tỏ vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

“Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện.

“Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý,” Bộ trưởng cho hay.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã lưu ý đến điều này.

Thu nhập không đủ nhu cầu cuộc sống nên việc học bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cũng là thách thức với giáo viên nếu phải tự trang trải chi phí, trong khi chương trình bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chậm. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bai-2-13000-giao-vien-nghi-viec-moi-nam-cach-nao-giu-chan-nha-giao/892180.vnp

XEM THÊM